Trên con đường từ giáo đường về nhà, chiều cuối tuần, thời gian còn sớm, chị bạn rủ tôi ngồi lại để đàm đạo đôi chút vấn đề thời sự mà chị thích. Trong lúc đang hứng khởi với những câu chuyện đời thường, chị chợt nhớ ra như một điều gì lý thú lắm, chị vỗ vỗ vai tôi:

– Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này, và tất nhiên mình đố cậu đoán được kết cục như thế nào.

Câu chuyện chị thỏ bông như sau:

“Chị thỏ bông có chồng là anh thỏ bông. Một hôm chị thỏ bông đi vào rừng tìm cà rốt. Lúc quay trở ra thì bị lạc. Chị đi một đoạn thì gặp anh thỏ trắng. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ trắng bảo, ‘muốn biết thì ở lại đây đêm nay’. Chị thỏ bông đành ở lại.

Ngày hôm sau, chị đi tiếp, mãi vẫn không thấy đường. Chị nhìn thấy anh thỏ nâu. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ nâu bảo, ‘muốn biết thì ở lại đây đêm nay’. Chị thỏ bông cắn răng ở lại đấy một đêm.

Hôm sau nữa, chị đi tiếp. Vẫn lạc đường. Lần này thì gặp anh thỏ đen. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ đen cũng nói, ‘muốn biết thì ở lại đây đêm nay’. Chị thỏ bông tặc lưỡi ở lại.

Sáng hôm sau, chị tỉnh dậy và lên đường. Đi được một đoạn thì thấy nhà, với anh thỏ bông đang đánh răng trước cửa. Chị về nhà hai hôm thì biết mình có mang.”

Bạn tôi đố: “Bạn thử đoán xem con của chị thỏ bông sẽ màu gì?”. Tôi đoán màu cà phê sữa bông. Bạn tôi không trả lời.

**********

Thưa các bạn, câu chuyện chị thỏ bông tưởng chừng đơn giản và chỉ là câu chuyện vui nhưng xét kỹ nó cho ta bao nhiêu bài học trong cuộc sống. Tôi hỏi người bạn, ‘chị thỏ bông có đáng trách không?’ Chị bạn trả lời chuyện đó đối với ngày nay thì có gì đáng trách. Con người thời đại này đang sống trong trào lưu hưởng thụ, ai cũng chỉ lo vun vén cho bản thân mình. Tôi nhớ tới bộ phim tài liệu có tên “Chuyện Tử Tế” của đạo diễn Vũ Thủy, có câu mở đầu: “Chỉ có súc vật mới chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình”. Nhưng mấy ai hiểu thấu câu nói đó.

Chị thỏ bông lần đầu ở lại đêm với anh thỏ trắng, chị không hề tỏ ra thái độ băn khoăn nào. Đến lần thứ hai thì chị “cắn răng ở lại”. Như vậy cho thấy chị đã có chút động lòng về chuyện phải ở lại qua đêm. Tuy nhiên chị thỏ bông đã không thắng nổi mình mà cứ tiếp tục hết lần này tới lần khác cho tới khi về được tới nhà. Chúng ta liệu có giống chị thỏ bông không? Chắc ai cũng khẳng định mình không thể như thế được. Nhưng xin thưa với bạn, cả bạn và tôi đều nhiều khi là chị thỏ bông. Chúng ta phạm tội, lúc đầu có thể có chút băn khoăn trong lương tâm, nhưng dần dần thì “cắn răng” rồi “tặc lưỡi”. Điều đó nguy hiểm biết bao. Chính trong đời sống đạo của mình, chúng ta cũng nhiều khi sống không đúng với bậc sống của mình. Người có gia đình thì cũng muốn chấm mút trong chuyện tình cảm, và ngay cả chúng mình cũng thế, cũng chấm mút đôi chút về tiền, tình. Những thiên lệch của cuộc sống được ngụy trang dưới nhiều lớp áo với những màu sắc khác nhau. Mục đích được lấy làm cơ sở để ngụy biện cho phương tiện. Chúng ta nhiều khi nhân danh mục đích tốt đẹp mà quên rằng đôi tay và con tim mình đang đi sử dụng những phương tiện không hề trong sáng. Chị thỏ bông vì muốn về nhà, về với gia đình, với chồng và các con, và vì lạc đường nên chị chấp nhận đánh mất chính mình để tìm con đường đó. Chúng ta nhiều khi vì cuộc sống ấm no của cộng đoàn, vì công tác tông đồ, vì giáo xứ – giáo dân, vì người nghèo… những cái “vì” tốt đẹp nhưng nhiều khi ta giống như chị thỏ bông, ta chọn con đường đánh mất mình để đạt được mục đích thanh cao đó.

Tội lỗi có vị ngọt ngào của riêng nó và dường như chúng ta càng muốn khước từ nó thì nó càng trở nên hấp dẫn, nếu chúng ta không có thái độ dứt khoát và không sống đời sống cầu nguyện. Nếu bạn nói ai không có tình cảm người đó không bình thường. Tôi cũng muốn nói: con người một khi đã tự nguyện sống cho một lý tưởng thì chuyện vượt lên những cái bình thường là một điều tất yếu phải làm. Bạn tôi nói: “Chúng ta không thể trách chị thỏ bông được. Tất cả chỉ vì hoàn cảnh mà thôi.”

Vâng, biện luận nào cũng xem ra có lý và hợp lệ. Đáng khen cho chị thỏ bông đã khéo léo ăn vụng và biết cách chùi mép. Đó là cái khôn của con cái trần gian. Ngày nay, nhiều người nhân danh nhân phẩm con người, nhân danh nhân quyền mà cổ vũ những tự do mang tính quá duy vật cho các bạn trẻ. Họ quan niệm vấn đề sống thử, yêu thử, yêu nhiều chứ lấy là mấy, cái gì cũng phải được thử trở thành một trào lưu tư tưởng dường như phải như thế mới khẳng định được mình thuộc đẳng cấp thượng lưu. Nhưng đằng sau đó, chính những con người như thế lại không thể có hạnh phúc khi họ thoát ra khỏi mái ấm gia đình với nền nếp gia phong. Lời mời gọi của hưởng thụ vật chất, thỏa mãn về thân xác, lạm dụng trong tình cảm như một minh chứng cho quan điểm của người biết nhìn thời đại và đánh giá xu thời. Họ quên rằng dù thời đại nào thì con người cũng không thể sống, tồn tại và phát triển nếu thiếu đạo đức, cái nền tảng làm nên con người hoàn thiện. Vấn đề quân tử thời xưa và thời nay có gì khác nhau đang được đặt ra cho các bạn trẻ. Phần đông khẳng định rằng “ngũ thường” của Khổng Tử không còn phù hợp nữa mà ngày nay chữ “Dũng” được đặt lên hàng đầu. Song, xét cho cùng thì cái nền luân lý của “ngũ thường” vẫn không thể thiếu được. Chỉ khác là nó được biến đổi, linh động cho phù hợp với quan niệm, tính cách và văn hóa của người Việt.

Bạn tôi hỏi: “Bạn có vẻ mê Khổng Tử ?”. Tôi không mê riêng ai, chỉ thừa nhận những giá trị đích thực của đạo đức.

Cuộc tranh luận của chúng tôi chưa tới hồi kết. Bạn tôi cho rằng anh thỏ bông là kẻ đáng khen vì anh quá vô tư và không một lời thắc mắc về sự mất tích của chị thỏ bông mấy ngày đêm liền. Có lẽ đó là lối sống của nhiều gia đình ở nơi đô thị ngày nay. Để “tôn trọng” nhau người ta không có thắc mắc gì về sự vắng mặt hay có mặt của người khác, thậm chí cả vợ, chồng của mình. Nếu cứ theo đà đó thì Việt Nam có trở thành Tây Âu không nhỉ? Người ta khát vọng không ngừng vươn tới đỉnh cao của văn minh, của vật chất. Nhưng không có nghĩa phải rập khuôn lối sống, văn hóa thì mới đạt được như khuôn mẫu mà mình nhắm tới. Ta thử làm một phép tính: nếu gia đình nào cũng như anh chị thỏ bông thì xã hội như thế nào? Người chồng sẽ vô tư khi vợ mình muốn làm gì thì làm; người vợ cứ thoải mái mà “cắn răng” và “tặc lưỡi” như chị thỏ bông. Và kết cục chú thỏ con chào đời sẽ mang màu lông gì cũng không cần biết. Nền sinh học sẽ có thêm một loại Gen mới, chú thỏ con chào đời sẽ mang đa màu sắc hay Gen nào trội thì được thể hiện qua bộ lông. Sự ô hợp thâm nhập vào cuộc sống và sẽ có một ngày không xa, cuộc sống trở nên “muôn màu” mà các nhà xã hội học cũng khó mà đoán biết được điều đó làm cho xã hội tốt đẹp hơn hay ngược lại.

Tôi lại nghĩ tới đời sống cộng đoàn. Nếu đời sống cộng đoàn cũng như gia đình chị thỏ bông, ai biết người ấy vì “tôn trọng tự do” của nhau thì sẽ như thế nào? Liệu lối sống đó có đúng nghĩa của từ “tôn trọng” không hay chỉ là một cách hững hờ, lãnh đạm, cầu an hoặc không chấp nhận cho người khác đụng tới mình. Chính từ lối sống chỉ biết mình mà nảy sinh ra những vấn đề khác như ích kỷ, ghen tị, bon chen, chỉ sợ mình thua người khác. Tinh thần xây dựng đúng nghĩa thật sự không dễ tìm trong cuộc sống ngày nay, khi mà con người đang sống giữa những trào lưu của hưởng thụ, cái bon chen lấn át sự chân thành, cái giả phủ lên trên cái thật. Vậy phải tìm ở đâu những giá trị đích thực của cuộc sống cộng đoàn cần phải có, nếu không phải là tìm nơi đời sống cầu nguyện, sống chân thành, sống khiêm tốn biết chấp nhận những hạn chế của mình? Bạn tôi nói để có đời sống yên bình trong một cộng đoàn thì tốt hơn hết người này đừng xâm phạm vào cuộc sống của người kia. Nhưng theo tôi, quan điểm về sự tôn trọng không hoàn toàn như thế. Cái gì cũng có mức độ của nó mà trước tiên đòi hỏi mỗi con người phải có sự chân thành trước hết. Nếu ai cũng sống thực sự với Chúa, thì chẳng có vấn đề gì phải bàn ở đây. Khi mà tính “con” còn nhiều hơn tính “người” thì sẽ có ngàn vấn đề phải nói tới.

Cả hai chúng tôi không thống nhất được quan điểm về câu chuyện chị thỏ bông. Có lẽ do mỗi người có cái nhìn khác nhau. Trời tối, sương xuống lạnh dần. Hà Nội lên đèn rực rỡ. Chúng tôi dù muốn dù không cũng phải tạm biệt nhau để trở về với mái nhà của mình. Câu chuyện chị thỏ bông vẫn còn theo tôi về nhà và có lẽ nó sẽ còn theo tôi đi vào cuộc sống.

–Nguyên Hương–